Dịch hoạ có dạo đẩy yêu cầu giãn cách thành một lối sống không chạm vào nhau. Mọi thứ bất thình lình đều tưởng như có thể thực hiện tại gia. Làm việc tại gia. Học hành tại gia. Chữa bệnh tại gia. Buôn bán tại gia. Mọi thứ đều như có thể chỉ chạm vào màn hình. Nhưng con người đâu thể sống mà không chạm vào nhau.
Cuối năm, lướt trên YouTube, thấy câu chuyện “Đi thôi, bố ơi!” của hai cha con Jun Phạm. Một series video 8 tập lôi cuốn từ đầu đến cuối, kể về chuyến đi phượt lên cao nguyên của hai cha con giữa những ngày bận bịu cuối năm. Câu chuyện thật dạt dào tình cảm, giữa đứa con là một nghệ sỹ đương độ chín nghề và một người cha lặng lẽ, giản dị, chân thành, có thể dễ dàng gặp ở mọi góc trời Sài Gòn. Họ cùng trải ghế ngồi ngắm trăng giữa núi non hùng vĩ, cùng nấu cho nhau tô mì gói giản tiện lót lòng, hay cùng nhau nhún nhảy theo điệu nhạc bên ánh lửa cao nguyên bập bùng rồi cùng nhau thả giấc thảnh thơi trên chiếc xe chật chội đã đưa họ đi suốt hành trình.

Có cả một lối sống gắn bó, thiết thân cùng theo lên chuyến lữ hành của hai người đàn ông Sài Gòn ấy. Jun Phạm trong video đã cùng cha mình luôn thực hành một thói quen mới. Họ mang theo chai rửa tay và nhẹ nhàng dùng nó mỗi khi bắt đầu một cữ cà phê hay một bữa ăn, hay thậm chí là khi chạm tay vào vô lăng trước khi chuyển bánh. Hai cha con thực hành nó thành một cử chỉ gần gũi tự nhiên như một lối sống quen thuộc.
Theo dõi câu chuyện ấm áp tình cha con ấy, nghĩ lại những ngày gieo neo giãn cách, bỗng thấy thú vị khi nhận ra thói quen rửa tay chính là một cách hồi đáp để cuộc sống Sài Gòn còn tiếp tục chạm vào nhau, cả trong thâm tình.
Tâm Chánh