Tết này, nhà mình cùng đi tảo mộ nghen…

1 năm trước

1. Tết đang về ngoài cửa sổ kia kìa, có lời hẹn nào dành cho những phút giây quây quần bên nhau cùng quét tước, dọn dẹp, chỉnh trang mộ phần của người thân chưa?

Mỗi năm cứ khoảng sau ngày 20 tháng Chạp, người người lại xôn xao nhắc nhở nhau ngày tảo mộ. Dù bận bịu hay lo toan trăm công nghìn việc đến đâu, ai ai đều gác lại chuyện riêng mà về tụ họp, chia nhau từng đầu việc: các ông các cụ lo cúng kiếng, dọn dẹp bàn thờ gia tiên; mấy chú mấy bác xách dao rựa, liềm thúng ra phát quang cỏ dại, bụi rậm, sơn sửa mộ phần; những người phụ nữ trong gia đình đảm đang phần việc chợ búa, nấu nướng mâm cúng.

taomo2- Thuyhang
Soạn lễ mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu – Thúy Hằng

Còn lũ trẻ chúng tôi hồi ấy cũng theo chân người lớn ra đồng, khệ nệ bê gánh những thúng những giỏ đựng hoa quả, cau trầu và nhang đèn. Đường quê trơn trượt, cỏ dại cao quá đầu gối níu chân rồi mấy độn đất cao vút, mấy lùm cây um tùm chẳng thể cản được bước chân ham vui của bầy trẻ cứ nôn nao, chộn rộn suốt mấy hôm vì sắp đến ngày lê la giữa đồng không mông quạnh và thỏa thuê khám phá mọi ngóc ngách kỳ lạ.

Dẫn theo lũ trẻ ra đồng, đôi khi chúng còn làm vướng chân người lớn đang mải mê với việc chặt cây và tỉa cành, nhưng chẳng ai nỡ lòng từ chối lời van vỉ của con cái trong nhà. Thế là để cản bước chân ham vui, chúng được người lớn phân việc nhổ cỏ. 

Cả bầy con nít xúm lại, nhổ từng vạt cỏ mà miệng lưỡi huyên thuyên không ngớt về chuyện trường chuyện lớp, chuyện công việc làm ăn, chuyện quan hệ họ hàng. Xen lẫn trong đó là những hồi ức về người đã khuất khiến lòng người bất chợt nghèn nghẹn…
 

2. Còn nhớ hồi ấy, khi phần mộ của bà nội và cố nội đã tươm tất, ba lại dắt chị em chúng tôi vượt khoảng một cây số và nhắm hướng cây bồ đề tỏa bóng cao lớn mà đi tới. Nơi ấy có người chị cả và em út của tôi nằm lại vĩnh viễn từ khi còn trong bụng mẹ. “Ngôi nhà” của người chị, người em xấu số ấy là hai gò đất nhỏ nhô cao lên đôi chút và xung quanh là hằng hà sa số gò đất nhỏ na ná nhau.

Ba tập cho chị em chúng tôi cách nhận diện phần mộ của chị cả và em út. Lấy gốc cây bồ đồ làm điểm tựa, cứ nhắm về hướng chỉ tay của ba mà đếm sẽ nhận ra “nhà” của người thân. Có ba bên cạnh nên hai đứa con nít yên tâm nhẩm đếm mà không sợ nhầm lẫn. 

Dạo ấy mọi nhà đều khó khăn, xung quanh toàn là những gò đất cỏ mọc xanh mướt, ba chỉ sợ mất dấu nên có đặt hai viên gạch bên cạnh. Rồi gió mưa bão bùng bao năm che mờ dấu tích, ba mỗi năm đều đặn dẫn chúng tôi đi tảo mộ để dặn dò chúng tôi đánh dấu vị trí trong cách tính của riêng mình.

Cái cuốc trong tay ba lia mấy nhát đã sạch tinh tươm cả một vạt đất. Ba tẩn mẩn dọn dẹp giúp mấy “nhà” hàng xóm xung quanh cho gọn gàng và sạch đẹp đón tết. Rồi chúng tôi thắp nhang khấn vái, cẩn trọng và trang nghiêm. Hai ước nguyện lớn nhất của trẻ con hồi ấy vẫn luôn là sức khỏe và học giỏi. Tiếng nguyện cầu lại râm ran… Xa xa kia là từng nhóm người tảo mộ cũng đang hoàn thành từng công đoạn cuối cùng để hoà vào dòng người trở về nhà lo toan tết.

3. Thời gian dần trôi, bầy trẻ con năm xưa giờ đã thành người lớn xuôi về muôn nẻo. Những cái tết xa quê hiện diện đầy trăn trở trong những tâm hồn lao xao nhớ về ngày trước. 

Tục tảo mộ vẫn được thế hệ cha chú trong nhà giữ trọn vẹn nếp xưa. Còn người trẻ chúng ta, thỉnh thoảng lại biện hộ cho sự vắng mặt của mình bằng những lý do muôn thuở: bận học, kín lịch… Người thân trong nhà thường giàu bao dung, tặc lưỡi cho qua khi đứa cháu nào đó vắng mặt ngày tảo mộ. 

Nhưng có lẽ nào chúng ta trốn tránh và lần lựa trách nhiệm duy trì nếp nhà hoài được sao? Phải để bọn trẻ của chúng ta hôm nay biết phần mộ của ông bà tổ tiên, hòa vào không khí tảo mộ và nhen nhóm dần trong các con ngọn lửa ấm áp của tình thân chứ!

Tết năm ngoái chúng ta đã lỡ hẹn bởi con virus quái quỷ kia giày xéo kinh hoàng, ngăn cách sum họp, ngăn cản tình thân. Còn Tết này, nhà mình cùng đi tảo mộ nghen…

Trang Hiếu
 

XEM NHIỀU NHẤT
Chạm
1 năm trước