Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, phố xá thưa vắng người hơn khi nhiều người đã về quê. Trong thinh lặng của buổi chiều nhạt nắng, vẳng một tiếng rao buồn rất mảnh của một cụ già: “Cầu nghẹt, cống nghẹt, ống nước hư, vòi nước hư sửa không" cất lên, bay qua cửa nhà tôi trong con hẻm nhỏ...
Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người, tiếng rao không phải là một khái niệm quá xa lạ và ai ai cũng đều có kỷ niệm về một tiếng rao. Với tôi, kỷ niệm về tiếng rao có rất nhiều. Từ tấm bé tôi đã nghe tiếng rao “ Ai bánh rán nóng đây”, “Bánh mì ba tê nóng dòn đây ”… của những người bán quà sáng. Những trưa hè nóng nực thì có tiếng rao của chú bán kem “Kem đây, kem đây. Kem một hào 2 chiếc, một chiếc 5 xu". Mẹ thường cho hai anh em tôi một hào và cứ khoảng một giờ trưa là chúng tôi đợi tiếng rao của chú. Chú mở chiếc thùng đựng kem đeo lệch một bên người ra và hỏi lấy kem màu gì. Màu gì tôi thấy cũng đẹp cả nhưng tôi hay lấy chiếc màu xanh cốm, còn anh trai thì lấy kem màu hồng.
́n tượng nhất là tiếng rao: “Ai lông ngan, lông gà, lông vịt đổi kẹo, bán không” của một cụ bà. Tận đến giờ tôi vẫn không hiểu bà mua rồi bán cho ai và người ta làm gì với đám lông ấy. Mùa đông gió bắc lạnh về thì có ông cụ già bán lạc rang và hạt dẻ nóng. Tiếng rao khàn khàn của cụ lọt qua khe cửa: “Lạc rang húng lìu, hạt dẻ nóng đây”. Chỉ nghe tiếng rao thôi mà cũng thấy ấm người.

Tùy theo buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối, tùy theo mùa xuân, hạ, thu đông, tùy theo đặc sản vùng miền mà có nhiều tiếng rao, nhưng tiếng rao vào buổi ban trưa, lúc trời mưa hay đêm khuya thanh vắng thường đi vào lòng người nhất. Trong cảm nhận của tôi, tiếng rao thường ẩn chứa một nỗi buồn man mác; phản ánh một thân phận người đang mưu sinh, bươn chải; chứa đựng một sự chịu đựng, kiên trì và nhẫn nại.
Giờ thì nhiều người rao hàng bằng micro, nhưng cũng vẫn còn một số người rao bằng miệng. Tiếng rao cũng có nhiều loại. Có tiếng rao bán hàng: “ Bắp xào, bắp nấu, hột vịt lộn đây", “Bánh mì nóng giòn, bánh mì đặc ruột đây”, Giò chưng gai, gai chưng giò"... Có tiếng rao mua hàng: “Bàn sắt, ghế sắt, giường sắt, tủ sắt, ti vi, bàn ủi, máy vi tính hư là mua”… Và có cả tiếng rao tìm việc : “Mài dao, mài kéo, thay cán dao ”… Buổi tối, thỉnh thoảng có anh đạp xe và xóc xóc cái gì đó kêu lọc xọc. Sau này tôi mới biết đó là anh tẩm quất, mát xa dạo...
Từ ngày chuyển về chỗ ở mới, tôi đặc biệt chú ý tới tiếng rao "Cầu nghẹt, cống nghẹt...". Tiếng rao thường vào buổi trưa thanh vắng, nó ngân dài xuyên suốt con hẻm, nghe thật buồn. Mỗi lần qua đây, cụ thường rao 3 lần: Khi còn xa từ đầu hẻm, ngang qua nhà tôi và khi đến cuối hẻm. Tôi đã chờ đợi để tìm hiểu chủ nhân của tiếng rao đó. Đúng như tôi nghĩ, đó là một cụ già chừng 70 tuồi, người nhỏ thó, râu tóc bạc phơ. Cụ dắt chiếc xe đạp và buộc lỉnh kỉnh quanh xe những đồ lượm lặt thêm trên đường mưu sinh. Chiếc xe chỉ để chất đồ và cụ dắt bộ. Khi tôi mở cửa ra thì cụ đã đi tới cuối hẻm, để lại dư âm còn ngân nga trong ánh nắng trưa vàng.
Lần nào cũng vậy, cụ cũng chỉ lướt qua hẻm với tiếng rao buồn như vậy rồi khuất dần sau những căn nhà phía xa. Khổ nỗi, tôi chưa nghe thấy tiếng một ai trong hẻm kêu cụ sửa gì bao giờ. Tiếng rao của cụ thật dài, thật mảnh, chứa đựng nỗi niềm ẩn khuất của một thân phận người.
Trong cuộc đời, tôi đã nghe nhiều tiếng rao, thấy nhiều người rao nhưng có lẽ tiếng rao của cụ khiến tôi thương cảm, bâng khuâng nhất. Dư âm tiếng rao ấy cứ văng vẳng mãi trong tôi những chiều năm hết Tết đến...
Nguyễn Hồng Minh