Tích tắc một năm dần khép lại. Những căng thẳng vì cuộc sống bất trắc cùng nỗi hoang mang, sợ hãi lần hồi lắng dịu, dù trong lòng vẫn chưa thật sự hết ngổn ngang. Năm 2022 cũng là năm giỗ đầu của anh. Vẫn nhớ những ngày Sài Gòn siết chặt giãn cách, một cuộc gọi đến vào lúc nửa đêm về sáng báo tin anh đột ngột ra đi. Không cách nào bắt tôi tin được. Mới hồi nào hai anh em vẫn còn nhắn tin trao đổi về ngôi nhà mà tôi đang xây vì anh là kỹ sư. Nhớ vẫn còn hẹn nhau chờ nhà xong anh xuống. Vậy mà…
Giữa những ngày đâu đâu cũng giới nghiêm, anh một mình lặng lẽ trở về miền Trung nắng gió xa xôi trên chuyến xe không vé khứ hồi, và ở hành trình cuối cùng vợ con không thể nào đưa tiễn. Nỗi xót xa đó vẫn thường trở đi trở lại khi đại gia đình tôi vẫn thi thoảng nhắc về anh. Nhất là vào những ngày tháng tám. Những ngày mà hơn một năm trước, tía tôi từng loay hoay chà thật nhiều gạo để gửi lên cho người thân ở vùng tâm dịch và san sẻ một phần cho hàng xóm, những người vì dịch mà thất nghiệp, phải bỏ phố về làng.
Năm 2022 có hàng chục nghìn cái giỗ đầu của những người không may mắn đã ra đi. Biết bao nỗi đau phải nén giấu vào trong khi trước mắt, cuộc mưu sinh sau một năm đầy biến động kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế vẫn luôn đè nặng. Cách tháng, mấy đứa bạn lại nhắn: “Công ty không có đơn hàng, sắp có một đợt sa thải mới”. Sáng sáng đọc báo, lao xao dư luận về những vết trượt dài…
Và trong những ngày tháng tám tâm trạng u ám nặng trĩu với nỗi nhớ và nỗi buồn của sự mất mát như vậy, tôi chọn cho mình một chuyến ra đi. Cơn áp thấp trên biển Đông không ngăn được bước chân tôi hướng về Thổ Chu, hòn đảo miền biên viễn cuối trời Tây Nam cách trở trùng dương vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Thổ Chu đón tôi bằng con nắng vàng giòn, biển xanh như trời in bóng hàng dừa nghiêng soi cùng một màu ngăn ngắt. Biển đảo nước mình đẹp quá. Và hẳn cũng vì xa xôi cách trở mà vẫn còn giữ được trọn vẹn dáng vẻ hoang sơ. Thật bõ công cho ba giờ đồng hồ đường bộ từ nhà đến cảng tàu Rạch Giá – Kiên Giang, rồi hơn hai tiếng ngồi tàu cao tốc đến Phú Quốc và cuối cùng là hành trình gần sáu tiếng lênh đênh giữa muôn trùng sóng dội để có thể cập bến Thổ Chu mênh mông mây nước nối trời.
Trong những ngày hoang hoải hay áp lực khi phải đối diện quá nhiều trắc trở khó khăn, tôi vẫn thường chọn đi đến những miền xa nơi biên giới, hải đảo. Một phương pháp chữa lành tôi chọn lựa và bao giờ cũng thấy hữu hiệu, đó là “tìm đủ từ nơi thiếu”, tìm bình yên từ sự bao dung của thiên nhiên, sự hồn nhiên vui sống của những con người bình thường mà đẹp đẽ, đáng trọng.
Vỏn vẹn chỉ 5 ngày ở Thổ Chu nhưng đã cho tôi nhiều kỷ niệm và trải nghiệm không thể nào quên. Hòn đảo nhỏ xíu đâu đó chỉ 13km vuông đã kể cho tôi nghe bao chuyện nhân tình thế thái.
Chuyện về người cựu chiến binh trở về từ chiến trường Tây Nam chọn nơi đây là chốn định cư ngay khi tái lập xã đảo. Dù cuộc sống thiếu thốn vất vả, đến nỗi gần ba mươi năm vẫn chưa mua nỗi mảnh đất cắm dùi nhưng ông vẫn một lòng bám đảo giữ đất, sống hiền lành chân chất, đoàn kết chan hòa.
Chuyện về những đứa trẻ con dân vạn chài, hạ bạc mồ côi cha/mẹ sau những trận bão. Những chuyến đi biển vì miếng cơm manh áo mà cũng vì chủ quyền cương thổ đã trở thành chuyến đi mãi mãi nơi đầu sóng ngọn gió để lại biết bao ngóng vọng đêm ngày.
Chuyện em Cao Văn Của, cha mẹ li tán mỗi người đều có gia đình mới, em sống cùng ông bà ngoại đã cao tuổi, lại mang trong mình bệnh tim bẩm sinh. Sự sống phụ thuộc vào máy trợ thở cùng một bên chân đã què, một bên tay đã liệt nhưng vẫn vui vẻ hồn nhiên chơi đùa. Hỏi em có sợ chết không, em lắc đầu vì em tin sau khi chết sẽ được lên thiên đường, ở đó đẹp lắm.
Chuyện những người lính Hòn Từ, nơi vùng đảo tiền tiêu trăm bề thiếu thốn vẫn đoàn kết động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Ở một nơi mà điện lưới không có, sóng điện thoại chập chờn, sách báo khan hiếm vẫn miệt mài ngày đêm túc trực tuần gác…
Và còn nhiều câu chuyện nữa đã kéo tay tôi đứng dậy mà đi. Cũng chính lúc ấy, tôi biết mình đang sống...
Hồ Thị Linh Xuân